Nông sản xuất siêu kỷ lục

(HSV VIETNAM GROUP) – Trong 7 tháng qua, VN xuất siêu 14 tỉ USD thì riêng lĩnh vực nông lâm thủy sản chiếm đến 9,4 tỉ USD, tăng đến 60% so với cùng kỳ năm 2023.


Ngày 30.7, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng trao đổi thông tin nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024.

Nhiều nông sản vẫn rộng đường xuất khẩu
Tại hội nghị, Phó chánh văn phòng Bộ NN-PTNT Lê Viết Bình cho biết 6 tháng đầu năm nay, bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Cả kim ngạch và tốc độ xuất khẩu đều đạt những con số kỷ lục trong nhiều năm qua. Cụ thể xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỉ USD, tăng đến 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt xuất siêu đạt gần 8,3 tỉ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng mạnh trong nhóm hàng nông sản

Cập nhật đến tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 34,3 tỉ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu đạt gần 9,5 tỉ USD, tăng tới 60% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có thế mạnh như: rau quả, cà phê, gạo, hạt điều, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng tốt.

“Trong nửa cuối năm 2024, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của VN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng các thị trường xuất khẩu, bên cạnh đó là căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được và nỗ lực của bà con nông dân cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN), chúng ta có thể tin tưởng hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kỷ lục mới”, ông Bình nói.

Dẫn chứng cho những nhận định trên, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết đang tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn ở các nước nhập khẩu để mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản VN. Cụ thể như trái bưởi đã hoàn thiện hồ sơ để đưa hàng vào thị trường Hàn Quốc. Mặt hàng này cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ với thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Đối với quả chanh leo thì việc hoàn thiện hồ sơ với thị trường Mỹ và Úc đã đi đến giai đoạn cuối. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi cũng đang hoàn thiện hồ sơ; bên cạnh là bơ và chanh không hạt. Ngoài ra, chúng ta cũng đang đàm phán với Ấn Độ để mở đường xuất khẩu sầu riêng.

“Việc đàm phán, hoàn thiện hồ sơ thường mất rất nhiều thời gian và quy trình thủ tục mỗi nước lại khác nhau. Tuy nhiên số lượng mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN sẽ tiếp tục gia tăng để góp phần nâng cao kim ngạch của ngành nói chung”, đại diện Cục BVTV nhận định.

Những thị trường nào còn tiềm năng lớn?

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT) Đặng Phúc Nguyên cho biết nếu sản phẩm sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì có thể mang về cho VN ít nhất 500 triệu USD mỗi năm. Với tình hình hiện tại, khả năng là năm nay sẽ không kịp để đạt con số vừa nêu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành chỉ đạt từ 6,5 – 7 tỉ USD. Tuy nhiên, nó sẽ tiếp tục là một kỷ lục mới so với con số 5,6 tỉ USD của năm 2023.

Ông Nguyên phân tích: Trong khi căng thẳng địa chính trị gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu, Mỹ và ngược lại. Nhưng bối cảnh thế giới đang đặt rau quả VN vào một lợi thế mới. Theo đó, xuất khẩu rau quả của các nước Âu, Mỹ vào khu vực Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc giảm mạnh. Do không nhập được hàng nên các nước này tăng cường mua sản phẩm rau quả VN. Cụ thể, Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của VN chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu rau quả của VN vào Mỹ vẫn tăng 33%. Bên cạnh Hàn Quốc thì Nhật Bản cũng tăng 13% lên vị trí thứ 4 ngay sau Mỹ. Hay Trung Quốc thì ngoài sầu riêng, xuất khẩu chuối từ VN đang đứng đầu nguồn cung ở thị trường này.
Hà Diễm HSV

024 6686 1968